Nem Phùng Hà Nội – Món ẩm thực ngon
Nem Phùng Hà Nội xưa
Nem Phùng là món đặc sản lâu đời không chỉ được biết đến là món ẩm thực nổi tiếng khăp các tỉnh miền Bắc mà cả nước rồi đến cả những thực khách nước ngoài nữa
-Không quá khó để có thể thấy được cảnh một người nước ngoài đến thị trấn Phùng mua nem, khi giọng tiếng Việt của họ ngọng líu khi nói từ Nem Phùng:
“N…em Ph…ung”.
Ngoài giọng nói ngọng đó, họ thể hiện bằng hành động bốc bốc rồi cho vào miệng nhai nhai thì ai cũng hiểu ra là họ hỏi món Nem Phùng Hà Nội. Sau khi mua được nem không ít người nước ngoài vào quán dùng tay gói nem trong lá sung chấm tương ớt chẳng khác gì người ban địa thêm chai bia nữa… có khi chúng ta nhầm họ là dân nhậu chuyên nghiệp.
Quy trình làm Nem Phùng tại thị trấn Phùng Đan Phượng Hà Nội chính hiệu |
Ông Bùi Ngọc Thái và bà vợ là Nguyễn Thị Cam- những chủ nhân đích thực của thương hiệu nem Phùng bảo tôi: “Giờ Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả mấy anh Tây cũng thường hay mò vào nhà tôi hỏi mua nem Phùng lắm”.
Lúc tôi đến, thấy đám người làm nhà ông Thái đang luộc mỡ, luộc thịt, thái mỏng ra, trộn với thính, khung cảnh khá tất bật. Nói về nem xa xưa đã có câu ca: “Tay cầm bầu rượu nắm nem. Mải vui quên hết lời em dặn dò” để thấy được sự phổ biến của nem.
Ông Thái vừa vốc nắm nem lên vừa giảng giải thêm: “Trước nem đa phần dùng thịt sống để làm, nem Phùng dùng thịt, mỡ tái thái. Bì lợn luộc kỹ đem lảy bằng tay để khía ra từng sợi nhỏ một. Trộn tất cả nguyên liệu đó với thính theo một công thức đặc biệt từ gạo nếp, gạo tẻ, đậu tương rang xay. Ngay cả cách rang thính cũng cầu kỳ. Rang phải bằng than củi chứ than tổ ong là mất mùi. Khi rang cũng chỉ om, lửa để nhỏ liu riu và lâu chứ không được rang bốc rồi xay bằng cối đá cho thính thật nhuyễn, thật mịn. Từ lúc ra lò đến lúc các nguyên liệu ngấu, thấm vào nhau nếu mùa nực mất 3- 4 tiếng, mùa rét mất một ngày là ăn ngon nhất. Vì không có chất bảo quản nên nem Phùng để tối đa được 2 ngày”.
Nem Phùng Hà Nội nay
Ngày nay, cùng với bước tiến vũ bão của thời đại thế giới phẳng, nem Phùng cũng được hiện đại hoá từng phần như chẳng ai còn lảy bì bằng tay nữa mà bằng máy dẫu rằng bì lảy máy giống sợi miến, không thể đẹp bằng cách cũ nhưng bù lại năng suất một máy bằng hai mươi người làm thủ công. Cối đá nghiền thính cũng được thay thế bằng máy xay, năng suất gấp cả trăm sức người…Cùng thời với cụ tổ của họ Bùi có một cụ làm hàng cơm tên là cụ Bấc cũng sáng chế ra nem Phùng theo cách riêng của mình. Tiếc là sau này con cháu cụ Bấc cũng không thể đem lại tiếng vang như cách của nem Phùng Bùi gia tộc được.
Làm Nem Phùng tại thị trấn Phùng Hà Nội |
Cách đây ngót chục năm, chính ông Thái cũng đã lên một show truyền hình quảng bá về nem Phùng. Rồi các kỳ triển lãm văn hoá, làng nghề thậm chí ngay cả đợt Seagames 22 tổ chức ở Mỹ Đình, ông Thái cũng mang đặc sản của mình giới thiệu khắp lượt. Tiếng lành đồn xa, cũng từ ấy mà nem Phùng gia truyền bị…làm giả ào ào. “Duy nhất gia truyền giờ chỉ có gia đình tôi ở thị trấn này với gia đình một nhánh đằng ngoại làm ở 63 Hàng Bún, Hà Nội là thật. Còn lại những người khác thấy nem bán chạy cũng nhảy ào ào vào làm, cũng trương biển gia truyền này nọ”.
Sau cả ngày quan sát cách làm nem Phùng, từ khâu đầu đến khâu cuối, tôi thấy tất cả đều có quy trình giống nhau là dùng thịt, mỡ còn tái, tức chỉ nhúng nước sôi cho sủi tăm rồi vớt. Người làm nem có lý do riêng của họ rằng thịt, mỡ tái mới giòn, mới ngọt, mới sậm sựt nhưng chắc chắn rằng xét ở khâu vệ sinh là chưa tốt.
Hiện ngay ở thị trấn Phùng cùng vùng phụ cận có khoảng vài chục hộ làm nem dạng quanh năm suốt tháng hoặc đặt theo thời vụ. Ở đây còn luôn có đội quân nấu cỗ sẵn sàng nhận đặt làm luôn cả nem Phùng. Đó là chưa kể về loại “nem Phùng” được rải khắp các quán bia, quán rượu ngoài thủ đô với nguồn gốc rất mờ ám. “Nem Phùng chính hiệu của nhà tôi bán theo cân hoặc theo quả. Quả nhỏ nhất cũng hai lạng chứ nem ở quán bia hơi họ bán độ nửa lạng một quả, giá thì cắt cổ mà bên trong toàn bì là chính. Cách làm chộp giựt này dễ làm thui chột thương hiệu nem Phùng lắm”. Ông Thái than thở rồi bảo ngay cả nhiều người đến chơi nhà ông, nhìn gia đình làm rồi nhăm nhăm học lỏm, thậm chí mua dôi thêm cả thính để về chế biến, vẫn không ra vị của nem Phùng.
Cứ cỡ bốn giờ sáng, ông bà Thái Cam lại lọ mọ ra lò mổ ở chợ Phùng tìm mua thịt lúc ba toa còn đang phân loại. Thịt chế biến nem không cầu kỳ đến mức miếng thịt thảy xuống phản còn “giãy đành đạch” như làm giò Ước Lễ nhưng cũng phải thật tươi. Lợn được con nào nuôi kiểu bỗ bã thì tốt còn không phải no giáp, tức mỡ đanh, nạc đanh mới ngon chứ quá béo thì ngấy, quá gầy thời tanh. Cơ sở nhà ông Thái hiện có 10 người làm mà bình thường cũng chỉ xuất ra thị trường cỡ 100 quả nem (mỗi quả nhỏ nhất 200gram). Tất cả đều bán ngay tại chỗ với giá đồng hạng 5.000đ/lạng chứ không hề có đại lý. Ngày lễ, Tết nhất là từ lúc tiễn ông công, ông táo lên trời đến 30 âm hay mùa cưới, khao thọ, việc hiếu có thể đến cả tạ.
Sang một cơ sở nem khác nằm ngay mặt đường bụi mù của thị trấn là cơ sở Hảo Cường. Ở đây có 5 người làm nem nhưng công suất hơn hẳn nhà ông Thái với cỡ 50kg xuất xưởng mỗi ngày. Người làm ở đây, phần đa là làm bằng tay trần. Trong một không gian rất chật cỡ chục mét vuông nhét đầy thớt, rổ rá đựng lá sung, lá chuối cùng với 5 người. Bà chủ cứ cật vấn tôi có phải đến viết về ATVSTP hay không, cuối cùng cũng chịu tiếp chuyện: “Từ hồi tivi đưa tin về bì thối hàng hoá bán ra giảm đến ½ vì người ta sợ. Bì thối đó làm gì chúng tôi chẳng biết nhưng làm nem cứ phải là bì lợn còn tươi mới ngon, mới giòn”.
Nem Phùng Hà Nội – Món ẩm thực ngon |